Quán café như một bảo tàng nhỏ về lai lịch của dòng họ Bewley và thương hiệu. Khách có thể chiêm ngưỡng chân dung cụ Joshua Bewley, người đã khởi nghiệp cho sự nghiệp Trà và Cà phê Bewley. Bạn cũng có thể ngắm những bức ảnh ố vàng vì thời gian, lưu lại các hình ảnh của một số thành viên dòng họ Bewley, hình ảnh chính quán cà phê thủa ban đầu cách đây gần thế kỷ, những bình trà cổ đến từ Trung Hoa xa xôi, bí ẩn với người Ai-len, những máy rang và xay cà phê cũ kỹ cùng những ly đựng cà phê nhuộm màu thời gian.
Dòng họ Bewley vốn gốc Pháp họ De Beaulieu. Năm 1331, họ được Hoàng gia Anh thưởng cho vùng đất ở bắc Yorkshire do có công trong việc đưa Edward Đệ tam lên ngai vàng Anh quốc. Sống trong cộng đồng người Anh, cách phát âm và viết tên họ kiểu Pháp biến đổi dần, chữ “De” biến mất, “Beulieu” trở thành “Bewley” như ngày nay.
Năm 1770, ông Mungo Bewley sang Ai-len. Tất cả những người mang họ Bewley ở Ai-len đều là hậu duệ của ông. Đây là dòng họ nổi tiếng ở Ai-len vì thương hiệu Chè và Cà phê Bewley. Họ đã phá vỡ thế độc quyền trà Ấn độ của hãng trà Đông Ấn năm 1835. Rồi cuối thế kỷ 19, họ nhập cà phê. Quán café đầu tiên khai trương năm 1894 ở phố George’s.
Quán Café Bewley phố Grafton khai trương năm 1927, ông chủ đầu tiên là Ernest Bewley, chính là con trai cả của ông Joshua. Ông đã đầu tư 60.000 bảng Anh, tương đương với 15 triệu Euro bây giờ. Ông sửa sang lại tòa nhà vốn là trường học cho con em quí tộc. Lấy cảm hứng từ các quán cà phê phong cách châu Âu nổi tiếng ở Paris, Vienna, kết hợp với kiểu cách lạ mắt, exotic của các phòng trà phương Đông và hòa trộn kiến trúc Ai Cập. Việc đầu tư tốn kém và mở ra một quán cà phê hoành tráng vào năm ấy mang một ý nghĩa đặc biệt, biểu trưng cho khát vọng hòa bình và niềm tin vào sự ổn định yên bình của thành phố và đất nước đau thương này bởi Ai-len vừa qua cuộc chiến tranh giành độc lập từ Anh quốc.
Ngày nay quán vẫn giữ nguyên mặt tiền xưa, với bảng hiệu “Quán Phương Đông”, dù mọi người đều gọi tên quán là Café phố Grafton. Quán có thể phục vụ cùng lúc 400 khách, vì thế có thể kiêu hãnh gọi mình là quán cà phê - nhà hàng lớn nhất Ai-len. Hàng năm có trên một triệu khách ghé quán. Bạn hãy nhớ rằng dân số Ai-len chỉ trên 4 triệu người! Có hơn 4 ngàn quán Bewley trên thế giới và hàng năm bán được trên 600 triệu ly cà phê và trà. Patrick Bewley, cháu nội của ông Ernest vẫn tham gia vào công việc kinh doanh này.
Người Dublin tự hào vì Café phố Grafton, coi đó là một điểm cần đến để giới thiệu cho bè bạn, du khách. Bản thân họ cũng thích nhâm nhi ly cà phê, làm một tách trà ở đó sau khi dạo chơi trong phố chính vào những ngày nghỉ cuối tuần. Ngày thường, công chức và sinh viên cũng hay vào đây ăn trưa, giá cả phải chăng và những người phục vụ luôn niềm nở, thân thiện, vị trí thì thật thuận tiện.
Chúng tôi cũng tìm đến café để thỏa mãn trí tò mò. Quả là danh bất hư truyền. Rất dễ nhận ra quán từ xa bởi tấm bảng hiệu cũ kỹ, nổi tiếng và mặt tiền đặc biệt kiểu Ai cập. Người vào ra tấp nập, tầng một rộng, trần cao và thoáng, bàn ghế cũ kỹ, lên nước, màu sắc ấm áp, chắc chắn là một nơi dừng chân tuyệt vời trong chiều đông giá lạnh của xứ này (ấy là tôi hình dung thế, bởi khi tôi ghé quán là một chiều đầu tháng Năm, hôm ấy trời hửng nắng, tuy nhiệt độ vẫn dưới 100C). Ngó nghiêng tầng 1 xong, tôi rảo bước lên tầng 2, lên “ban công của James Joyce”, lòng không mấy hy vọng tìm được chỗ. Vận may đã mỉm cười với tôi. Có một bàn trống. Từ đây tôi có thể nhìn ra cửa sổ, thử hình dung nhà văn nổi tiếng, niềm tự hào của Dublin đã nghĩ gì qua ly cà phê bốc khói, ngắm “những người Dublin” ngược xuôi dưới con phố được nhắc đến không dưới một lần trong cuốn sách của ông. Cả quán này nữa cũng đã được lưu danh thiên cổ trong tác phẩm bất hủ Người Dublin. Đây cũng là điểm tụ hội yêu thích của giới trí thức tinh hoa, các họa sĩ, các tác gia lừng lẫy như James Joyce, Patrick Kavanagh, Samuel Beckett và Sean O’Casey.
Cô phục vụ vui vẻ đến bên, tôi hỏi cô khuyên tôi dùng loại cà phê nào. Cô ấy gợi ý “Moca cam”. Tôi cũng thấy tấm hình lớn quảng cáo đồ uống này ở cửa kính của quán và háo hức chờ đợi. Ly cà phê có mùi cam khá lạ, tuy nhiên nó ngọt đến rùng mình, chả còn vị đắng của cà phê và dù tôi vốn hay tiếc của thì cũng phải đầu hàng, không thể cố được. Chị bạn tôi gọi một ly Cappuccino, món này thì rất ổn (“Tôi đã thử một hớp cho bõ tức!”). Cà phê mới được rang xay, rồi pha ngay nên thơm tho, dễ chịu. Cô nhân viên tự hào giới thiệu rằng ở đây chỉ dùng loại cà phê Arabica 100%. Hạt được tuyển chọn kỹ càng từ 16 nước nổi tiếng cà phê trên thế giới, chỉ mua sau khi thợ cả phụ trách công đoạn rang nếm thử và chọn lựa. Tất cả đều được rang thủ công ngay tại nhà hàng, trên tầng 4, chả trách gì khi bước vào quán, bạn đã bị mùi cà phê quyến rũ dẫn dụ.
Chúng tôi say mê ngắm nghía quán, rồi lại bước ra phố, hòa vào dòng người nhộn nhịp trên phố Grafton: nghệ sĩ đường phố kéo đàn, người thì hát, đám khác lại nhảy múa, có cả mấy họa sĩ đang vẽ trên tấm toan lớn trải xuống lòng đường, trẻ em chạy nhảy vui vẻ trên con phố đi bộ đáng yêu này. Cuộc sống cứ thanh thản trôi qua, như không khí một chiều ngồi trong quán cà phê huyền thoại nơi đất khách...
Theo CF