Ai là người đầu tiên đưa cà phê arabica Việt Nam ra thế giới?


Việt Nam đang đứng đầu thế giới về sản lượng và xuất khẩu cà phê robusta. Nhưng ít ai biết, cà phê arabica, chỉ chiếm chưa đầy 15% tổng sản lượng cả nước, lại du nhập vào Việt Nam sớm hơn so với loại robusta.

      Cây cà phê Arabica cho lứa quả đầu ( Ảnh: Bolofarm )

Từ cuối thế kỷ 19, người Pháp đã đưa giống cà phê arabica vào trồng ở các đồn điền tại Phủ Quỳ, Diễn Đàn – Nghệ An. Những thập niên 60 của thế kỷ 20, loại cà phê này xuất hiện nhiều tại Pari và cả ở Liên Xô, được khách hàng rất chuộng, sau đó họ quay trở lại đầu tư các nhà máy chế biến tại Nghệ An.

Nhưng từ sau khi giải phóng miền Nam, chúng ta có chủ trương chuyển hướng đầu tư cho cây cà phê từ miền Trung vào trong khu vực Tây Nguyên. Đến năm 1985, Liên hiệp cà phê ra đời, là tiền thân của Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe). Từ đó tới nay, cây cà phê ở phía Bắc và miền Trung gần như bị bỏ rơi.

Năm 1996, cà phê arabica Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu chính thức với điểm đến mở đường là Hà Lan. Khi ấy, một công ty của Hà Lan đã tìm được 4 container để nhập về thông qua Vinacafe. Số hàng này bao gồm 2 container của Tập đoàn Thái Hòa, có nguồn gốc từ Nghệ An. Sau khi sang tới Hà Lan, khách hàng quay trở lại Việt Nam kèm theo những phản hồi xấu về chất lượng.

Khi nhận được phản hồi, các nhà cung cấp đã tiến hành phân tích, đánh giá để tìm nguyên nhân và cuối cùng phát hiện ra do cách chế biến không phù hợp, và số hàng bị hỏng không phải của Thái Hòa. Cụ thể là, cách chế biến cà phê của công ty kia vẫn làm theo tập quán của cà phê robusta tại Tây Nguyên, khi xuất đi lại không thay đổi chất chống ẩm, gặp thời tiết thay đổi ở châu Âu, dẫn đến chất lượng bị thay đổi và nếm không còn mùi arabica mà chỉ còn mùi robusta.

Ngoài ra, cà phê arabica của công ty đó có nguồn gốc từ Sơn La, là loại cà phê catimo – một giống cà phê lai ghép lấy từ giống timo hoang dại ghép với loại catora, nên tạo ra hương vị khác, mất đi giống arabica. Cà phê của Thái Hòa có nguồn gốc từ Nghệ An, là loại catora, nên giữ nguyên hương vị.

Tuy nhiên kể từ sau chuyến xuất khẩu đầu tiên đó, các doanh nghiệp của ta cũng không thể xuất đi được vì mất niềm tin. Mãi đến năm 1998 khi Trung Quốc lập thị trường cà phê giao dịch kỳ hạn Bắc Kinh với tham vọng giống như các thị trường kỳ hạn ở London, New York và Tokyo, và họ tìm mua hàng của Việt Nam. Thái Hòa đã ngay lập tức nối lại hoạt động xuất khẩu cà phê arabica. Tuy nhiên, tham vọng của giới kinh doanh Trung Quốc không thành công, họ buộc phải bán số hàng đã mua, cả của thị trường trong nước lẫn của Việt Nam.

Thái Hòa lúc ấy đã mạnh dạn mua lại cà phê arabica của sàn giao dịch Bắc Kinh, có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc, sau đó đưa về Việt Nam và phối trộn với loại arabica của hãng này, rồi lấy danh cà phê Việt Nam xuất khẩu đi các nước châu Âu.

Chủ tịch Tập đoàn Thái Hòa, ông Nguyễn Văn An cho biết, sau khi chuyến hàng đầu tiên của Thái Hòa xuất đi, với cà phê nguồn gốc Vân Nam phối trộn với cà phê trong nước, đã nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng, và họ tìm đến Việt Nam nhiều hơn. Trong giai đoạn từ năm 1998 – 2001, Thái Hòa vẫn tiếp tục mua cà phê của Trung Quốc để tái xuất.

Những năm sau đó, khách hàng tìm lại Việt Nam nhiều hơn, không chỉ mua cà phê robusta truyền thống mà còn mua nhiều loại arabica. Cũng kể từ khi Thái Hòa có nhiều đơn hàng xuất đi thì hoạt động xuất khẩu cà phê arabica của Việt Nam mới ổn định. Vì thế, trong ngành đều thừa nhận, ông Nguyễn Văn An của Thái Hòa là người có công đầu đưa cà phê arabica của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Triển vọng ngành cà phê tươi sáng

Trao đổi với phóng viên của CafeF những ngày đầu năm Nhâm Thìn, ông Nguyễn Văn An cho biết, nhu cầu cà phê trên thế giới sẽ tiếp tục gia tăng, trong khi nguồn cung hạn chế vì quỹ đất bị giới hạn. Giá cà phê hiện tại chưa phản ánh đúng bản chất của thị trường, mà còn do giới đầu cơ lũng đoạn.

Ông An nhận định tương lai của ngành cà phê Việt Nam rất sáng sủa, vì các nhà sản xuất khác giờ đây tiêu thụ nhiều hơn, đang tìm đến mua hàng của Việt Nam. Indonesia và Ấn Độ là hai nước sản xuất quan trọng thứ 2 và thứ 3 của châu Á, nhưng lại đang là khách hàng quan trọng top 10 của chúng ta.

Đối với triển vọng phát triển cà phê arabica nói riêng, ông An cho rằng, giá cà phê trong nước đang ở mức cao nhất từ trước tới nay (13 – 15 nghìn đồng/kg cà tươi) là cơ hội để mở rộng sản xuất. Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú trọng vào chất lượng, chẳng hạn thu hoạch cà phê phải để chín, chế biến đúng cách…để đảm bảo hương vị. Về xuất khẩu, doanh nghiệp cần tìm thị trường nhiều hơn, đặc biệt là các thị trường có nhu cầu ổn định, để đảm bảo giá trị xuất khẩu đạt mức cao.

Trên thế giới, giá cà phê arabica hiện ở mức trên 4.500 USD/tấn, trong khi cà phê robusta chỉ có 2.000 USD/tấn.

 

Nguồn tin: TTVN
Share this article :
 
THƯƠNG HIỆU CÀ PHÊ FIN SỐ MỘT VIỆT NAM - SỰ LỰA CHỌN TỐT NHẤT CHO CÁC CÁC QUÁN CÀ PHÊ LIÊN HỆ :Mr- NGUYỄN VĂN PHÚC | Số điện thoại | 0989.845.458
HOẶC : Miss - LÊ THỊ CHÂM | Số điện thoại | 0916.646.189
Email | coffeefin@gmail.com | caphefin@gmail.com
Copyright © 2011. CÀ PHÊ PHIN VIỆT NAM - All Rights Reserved